Hương đen làng Chóa (Bắc Ninh) tấp nập vào Tết
11:08:00 02/08/2016
Đến làng Chóa vào những ngày đầu tháng Chạp, đúng lúc không khí sản xuất hương tại đây tưng bừng, nhộn nhịp nhất năm. Trong làng lúc nào cũng lách cách âm thanh quen thuộc của những chiếc máy se hương và tiếng se hương bằng tay khi các que hương đập vào bàn gỗ. Ngoài sân tràn ngập sắc màu đỏ, đen, vàng nhạt từ những cây hương thành phẩm, chân hương và que hương. Những người thợ chăm chỉ, không quản ngày đêm hối hả, người nấu nhựa, nghiền than, trộn bột, se nhang chuẩn bị hàng Tết.
Gia đình ông Đào Sỹ Oanh, thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong được kế tục nghề làm hương đen từ thời ông, cha để lại. Những ngày này, gia đình ông luôn duy trì từ 4 đến 6 lao động chuẩn bị hàng hương bán Tết. Ông Oanh cho biết: “Ăn Tết xong, gia đình phải chuẩn bị các nguyên liệu từ tăm than, các thứ phục vụ cho Tết Nguyên đán để xuất kịp hàng cho khách. Giáp Tết, gia đình đã xuất đi vài chục vạn que hương. Đơn đặt hàng Tết càng ngày càng nhiều, gia đình mình phải tập trung nhiều nhân lực hơn để kịp giao hàng cho khách”.
Cũng giống gia đình ông Oanh, gia đình bà Trần Thị Bẩy, thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong cũng đang tất bật cho những đơn hàng dịp Tết. Mỗi năm, nhờ sử dụng máy móc và các dụng cụ hỗ trợ, gia đình bà tiêu thụ hàng chục tấn nguyên liệu và cung cấp ra thị trường hàng triệu que hương phục vụ nhu cầu người dân. Bà Trần Thị Bẩy hồ hởi nói: “Nhà tôi quanh năm làm từ tháng 2, tháng 4 vót máy, vót que, phơi ngâm và vớt lên, tháng 6 đã vớt lên làm hàng Tết rồi. Để chuẩn bị cho hàng Tết, nguyên vật liệu có tới hàng chục tấn còn hương cũng 5 – 7 chục vạn đấy là hương lớn còn hương bé thì vô kể”.
Hương đen làng Chóa khác với những loại hương làng khác bởi cháy đượm, mùi hương thơm mát. Trước đây, loại hương này chỉ được thắp trong dịp Tết, nhưng ngày nay, cùng với những ưu điểm của nó mà loại hương này được sử dụng quanh năm. Bởi vậy, việc làm hương trước đây chỉ bắt đầu từ đầu tháng 8 Âm lịch. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, việc sản xuất cũng diễn ra cả năm. Tuy nhiên trong tháng 11, 12 Âm lịch là nhộn nhịp hơn cả. Bởi vậy, nhiều năm nay, gia đình bà sắm thêm máy móc nhằm nâng cao năng suất lao động.
Từ xưa đến nay, nguyên liệu truyền thống làm hương đen làng Chóa vẫn được làm từ nhựa cây trám trộn lẫn than hoa. Với nguyên liệu, người làm hương chọn những loại nhựa trám sạch, từ cây trám trên miền núi. Trước tiên, người dân phải nghiền nhựa trám thành dung dịch loãng rồi đun sôi trên bếp đến khi nhựa quánh lại. Sau đó trộn nhựa trám với than hoa đã nghiền nhỏ theo một tỷ lệ nhất định. Thường thì người dân trộn 10kg nhựa với 8 kg bột than nhưng có có khi tỷ lệ này thay đổi tùy vào độ đẹp hay xấu của nhựa trám. Tiếp đó hỗn hợp được cho vào máy nghiền để tạo độ dẻo sau đó cắt thành từng miếng, hấp cách thủy rồi xe hương bằng tay hoặc xe bằng máy. Sau khi sản xuất xong, hương được đem ra phơi nắng hoặc sấy khô. Thời gian phơi hương tùy thuộc vào thời tiết, nếu nắng to chỉ cần phơi trong một ngày, nếu không có thể phơi trong ba ngày, nếu trời mưa sẽ sử dụng lò để sấy cho hương khô. Nói về cách làm hương, bà Bẩy chia sẻ: “Từ nhựa trám sống, chùng tôi mua về cho vào máy nghiền, nghiền xong trộn lẫn với than hoa đã nghiền nhỏ. Qua máy trộn, máy nghiền, thành phẩm đem ra se. Bán cho những người thủ công mang ra se”.
Nghề làm hương đen làng Chóa đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho người dân nên trước đây, hầu hết người dân trong làng đều làm. Tuy nhiên, ngày nay do tốc độ nền công nghiệp hóa, nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một.
Ông Nguyễn Duy Viết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong nói: “Trước đây quy mô nhân dân cả làng có thể làm vào dịp 3 tháng cuối năm để bán cho nhân dân vùng lân cận sử dụng. Qua năm tháng cũng như sự phát triển của xã hội vẫn duy trì nghề làm hương đen truyền thống của địa phương, tuy nhiên, quy mô và số lượng còn không nhiều. Đối với 1 thôn có 720 hộ nhưng duy trì làm nghề chỉ còn 45 đến 47 hộ ở địa phương. Đối với nghề truyền thống này của chúng tôi có từ rất lâu rồi. Lãnh đạo, chính quyền địa phương chúng tôi mong muốn, đề nghị những sản phẩm, nguyên vật liệu phục vụ làm hương hiện nay không ổn định. Vì vậy mong muốn các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện giúp cho địa phương có đầu vào ổn định. Chúng tôi có kế hoạch trình Sở Văn hóa để đưa nghề hương đen trở thành di sản văn hóa phi vật thể”.
Những nén hương đen làng Chóa đã có mặt ở nhiều nơi, đem lại sự ấm áp, linh thiêng cho mỗi gia đình. Không những vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, nghề này đã mang đến cuộc sống ấm no, làm thay đổi bộ mặt người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong điều kiện còn những khó khăn nhất định, nếu không có sự định hướng kịp thời của chính quyền địa phương trong việc phát triển, gìn giữ làng nghề truyền thống thì chẳng bao lâu nghề hương đen Chóa có thể sẽ bị mai một.